Thứ Năm, 11 Tháng Mười Hai, 2014

Bayer CropScience đẩy mạnh kế hoạch hành động bốn điểm cho tương lai ngành lúa gạo Việt Nam

Bayer CropScience Việt Nam một lần nữa là đơn vị tài trợ chính cho Hội thảo Lúa gạo 2014 tổ chức ngày 11 tháng 12 tại thành phố Cần Thơ, Việt Nam. Được tổ chức hàng năm bởi Thời báo Kinh tế Việt Nam, sự kiện năm 2013 tại thành phố Hồ Chí Minh tập trung vào việc cải thiện thu nhập cho người nông dân Việt Nam và đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ đại biểu tham dự. Hội thảo năm nay hướng đến “Tương lai của Ngành Lúa gạo Việt Nam”.

Hơn 250 đại biểu đến từ khối nhà nước và tư nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt có sự tham gia của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Viện nghiên cứu Phát triển Đồng bằng Sông Cửu Long, Viện lúa Đồng bằng Sông Cửu Long và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia  cùng thảo luận các chủ đề tập trung vào ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam. Các chủ đề bao gồm: thực trạng về xuất khẩu gạo Việt Nam, những vấn đề đang đặt ra trong bối cảnh toàn cầu, an ninh lương thực trong điều kiện đất canh tác bị thu hẹp, cơ chế liên kết giữa nhà nông và doanh nghiệp trong chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo, v.v. cùng các chủ đề khác.

Ông Torsten Velden, Giám đốc nhánh Bayer CropScience Việt Nam, một trong những diễn giả chính tại sự kiện, đã có bài tham luận về chủ đề “Làm cách nào để nâng cao thu nhập bền vững cho nông dân thông qua việc chuyển giao các giống lúa mới và ứng dụng giải pháp kỹ thuật tiên tiến trong canh tác”. Ông cũng cập nhật quá trình thực hiện kế hoạch hành động bốn điểm mà Bayer đã đưa ra trong hội thảo năm 2013 nhằm phát triển toàn diện ngành sản xuất lúa gạo nói riêng và ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung.


Tại hội thảo, các đại biểu thảo luận chi tiết về tình hình biến động của ngành lúa gạo Việt Nam những tháng đầu năm 2014. Thực tế cho thấy xuất khẩu gạo Việt Nam tăng hàng năm về số lượng nhưng chưa có sự gia tăng giá trị xuất khẩu cộng thêm tương ứng. Nông dân vẫn phải chịu thu nhập thấp, do đó không thể tái đầu tư vào công nghệ sản xuất, hạt giống và các sản phẩm bảo vệ mùa màng vốn có thể giúp họ tăng năng suất, cải thiện đời sống.

 

Ngoài ra, hầu hết nông dân tại Việt Nam là các cá thể đơn lẻ và mang tính hộ gia đình, dẫn đến việc sản xuất lúa gạo chỉ dừng ở quy mô nhỏ và phải chịu chi phí đầu vào cao. Một trong những hạn chế của quá trình này là có quá nhiều chủ thể tham gia vào chuỗi sản xuất gạo từ người sản xuất đến người tiêu thụ nông sản. Các đối tác then chốt và đại biểu tham dự đều nhất trí sự cấp bách cùng tìm kiếm giải pháp mang tính công nghệ nhằm giúp nông dân tăng năng suất và lợi nhuận cũng như đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu cho lúa gạo Việt Nam nhằm cải thiện khả năng cạnh tranh với các nước láng giềng.

 

Vì vậy, hội thảo lúa gạo năm nay hướng đến chủ đề “Tương lai của Ngành Lúa gạo Việt Nam”. Theo đó, sự phát triển của ngành sản xuất lúa gạo phụ thuộc rất nhiều vào các giải pháp cải tiến từ quy mô sản xuất, chọn giống, quy trình kỹ thuật tiên tiến, hình thành các nhà máy chế biến nông sản và chính sách dự trữ quốc gia rõ ràng, v.v. nhằm tác động đến việc giảm chi phí sản xuất và tăng giá xuất khẩu.

 

Bayer đạt tiến bộ mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng ngành lúa gạo Việt Nam

Trong mối tương quan chặt chẽ với các mục tiêu của hội thảo, Bayer Crop Science Việt Nam đã cập nhật những hoạt động của công ty hướng đến việc thực hiện kế hoạch phát triển ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam. Trước tiên, như được đề cập tại hội thảo năm 2013, kế hoạch được Bayer CropScience thực hiện trên bốn lĩnh vực chính nhằm tiếp cận toàn diện khả năng tăng năng suất và thúc đẩy an ninh lương thực và an toàn thực phẩm. Kế hoạch này bao gồm: (1) Đi đầu trong phát minh cải tiến mới để giải quyết những thách thức chính trong canh tác lúa thông qua những giải pháp mới và hiện đại; (2) nâng cao năng lực cho nhà nông bằng cách cung cấp cho họ các công cụ, kỹ thuật và đào tạo; (3) nâng cao năng suất nông nghiệp theo cách phát triển bền vững và thân thiện với môi trường; (4) và mở rộng quan hệ đối tác trên toàn chuỗi giá trị lúa gạo, giữa khối nhà nước và khối tư nhân.

 

Sau một năm, ông Velden đã cập nhật tiến độ mà Bayer đang thực hiện nhằm hoàn thành các mục tiêu đề ra. Liên quan đến vấn đề cải tiến, ông đã liệt kê các ví dụ cụ thể như sự đa dạng của hạt giống lúa lai Arize được phát triển trên cơ sở kết hợp được nhiều lợi ích khác nhau của các tính trạng tự nhiên, và đến nay đã có hai giống lúa mới được ra mắt trên thị trường. Người nông dân ngày càng nhận thức rõ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu như khô hạn, lũ lụt và gia tăng nhiễm mặn, ông Velden chia sẻ, với giống lúa mới Arize sẽ giúp nông dân Việt Nam canh tác lúa trong những điều kiện khắc nghiệt như vậy.

Ông cũng đề cập đến việc khánh thành Trung tâm Ứng dụng Công nghệ Xử lý Hạt giống vào tháng Sáu năm nay tại Cần Thơ. Trung tâm này – lần đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam – đã giới thiệu công nghệ và máy móc xử lý hạt giống hiện đại, cung cấp hệ thống tổng hợp trong ứng dụng hạt giống, giúp giảm thiểu ảnh hưởng của côn trùng và bệnh hại cũng như giảm thiểu việc sử dụng và thao tác với hóa chất. Bằng việc giới thiệu công nghệ mới và mang công nghệ này đến gần người nông dân, Bayer đã tiên phong trong việc cung cấp cho người nông dân giải pháp kiểm soát bệnh đạo ôn từ khâu gieo hạt mà không làm thay đổi qui trình ngâm ủ hạt giống truyền thống của nông dân.

Tuy nhiên, ông Velden cũng chỉ ra rằng, mặc dù lợi ích của hạt giống được xử lý là rõ ràng, việc nhận thức và chấp nhận ở thị trường Việt Nam còn thấp. Để tăng kiến thức và nhận biết của nông dân về công nghệ xử lý hạt giống, cùng các đối tác trong chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo và các bên liên quan khác, chúng tôi đã hợp tác với Viện Nghiên cứu Lúa ĐBSCL để chuyển giao công nghệ này cho thị trường.

 

Ông Velden cũng cập nhật về các quan hệ đối tác mà Bayer đã thiết lập, và tin rằng sự hợp tác trong chuỗi giá trị và giữa khối nhà nước - tư nhân là cần thiết để hướng đến quá trình thực hiện an ninh lương thực và tăng trưởng nông nghiệp bền vững. Trong dự án Chuỗi Giá trị Lúa gạo (RVC) đã được Bayer thực hiện năm 2013, ông cập nhật dự án đã được mở rộng ra nhiều tỉnh thành với diện tích lớn hơn, số lượng nông dân tham gia tăng gấp đôi. Nông dân tham gia dự án Chuỗi Giá trị Lúa gạo đã thấy chi phí đầu vào trung bình giảm 9%, sản lượng tăng 6%, từ đó tăng gần 30% lợi nhuận. Ngoài ra, Bayer đã hợp tác hai công ty xuất khẩu và chế biến gạo lớn là Gentraco và Trung An, thuộc dự án RVC nhằm thúc đẩy việc sản xuất lúa gạo chất lượng cao, cũng như chuyển giao những kết quả thực tiễn tốt nhất và nhân rộng các trường hợp thành công.

 

Better Rice Initiative Asia (viết tắt là BRIA) cũng là đối tác quan trọng mà Bayer đã hợp tác thông qua tổ chức GIZ dưới sự bảo trợ của German Food Partnership, nhằm cải thiện chuỗi giá trị lúa gạo tại Việt Nam. Ông Velden cho biết, kể từ khi triển khai BRIA, các bên đã thấy sự cải tiến trong lựa chọn sinh kế của nông dân trồng lúa tại ba tỉnh thành, cũng như sự gia tăng bền vững về mặt sinh thái trong sản xuất lúa gạo và cải thiện chất lượng trên thị trường. Bayer sẽ tiếp tục triển khai sáng kiến BRIA ở ba tỉnh thành khác trong năm 2015.

 

Ông cho biết: “Nhu cầu hợp tác chặt chẽ trong chuỗi giá trị trở nên thiết yếu hơn bao giờ hết. Ngày nay, mức sản xuất lúa gạo toàn cầu vẫn còn đang thấp hơn so với nhu cầu tiêu thụ, nhưng nhu cầu ngày càng tăng này lại chưa đẩy được giá gạo cao hơn, và do đó, thu nhập cho nông dân Việt Nam vẫn chưa được cải thiện. Bằng cách liên kết các hộ nông dân nhỏ với các đối tác chuỗi giá trị như các công ty sản xuất và chế biến gạo, các doanh nghiệp phân phối và bán lẻ, cũng như các công ty chế biến thực phẩm toàn cầu, ví dụ cụ thể như công ty sản xuất thực phẩm Mars thông qua Bayer Food Chain Partnerships, Bayer đã giúp nhà nông đảm bảo được doanh thu trong mỗi mùa vụ với giá cả nông sản ở mức phù hợp. Đồng thời, nông dân cũng đang được tiếp cận với các công cụ, kỹ thuật và các khóa huấn luyện cần thiết để giúp họ tăng năng suất và sản lượng.”

 

Như một lời kết luận, ông Velden kêu gọi các đại biểu tham gia hội thảo cùng chung tay để tạo sự khác biệt bền vững trong nông nghiệp cho nông dân Việt Nam. Ông cũng nhấn mạnh, Bayer cam kết tiếp tục thực hiện kế hoạch hành động bốn điểm nhằm góp phần định hướng cho tương lai lúa gạo Việt Nam.


Thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm - không chọn lọc - hiệu quả cao - hiệu lực kéo dài - sử dụng trên cây lâu năm.

Copyright © Bayer AG